Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng: “Điểm mặt gọi tên" hành vi bạo lực không dễ!

  • 04/11/2024

PNO - Gần đây, trên mạng xã hội và trong đời sống, không ít người mỉa mai, cười cợt trước ý kiến thảo luận của một số vị đại biểu Quốc hội về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sự cụ thể hóa các biểu hiện như các vị nêu ra là cần thiết hay tầm phào?

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện cuộc phỏng vấn tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - ISDS, người có bề dày nghiên cứu về bạo lực gia đình).

2609_15-tskhuatthuhonghinhanh.jpg
 

 

Phóng viên: Xin tiến sĩ cho biết góc nhìn của mình đối với việc cụ thể hóa các biểu hiện bạo lực tinh thần đang được bàn tại Quốc hội.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Bạo lực tinh thần bằng lời nói, thái độ… không dễ nhận diện. Chính vì thế, những quy định, định nghĩa của luật đưa ra càng rõ ràng, cụ thể, chi tiết càng giúp ích cho việc nhận biết, phòng tránh và càng có cơ sở khi xử lý. Chức năng đầu tiên của luật là giáo dục, phòng ngừa. Không thể dạy chung chung kiểu bạo lực gia đình là hành vi của một người làm cho một người cảm thấy đau khổ. 

Tuy nhiên, nếu liệt kê thì dù có liệt kê bao nhiêu cũng không hết vì mỗi người có đặc thù, cách thể hiện, cảm nhận riêng. Nhưng cũng cần phải có chi tiết và nêu ra những hình thức, hành vi bạo lực tương đối phổ biến để mọi người đều nắm được, hiểu được đó là hành vi bạo lực. Người cảm thấy mình đang là nạn nhân của bạo lực có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ. Những người gây ra hành vi đó cũng hiểu rằng mình đã vi phạm pháp luật.

Tôi tham khảo bộ luật của các nước, người ta cũng liệt kê một số hình thức hành vi bạo lực hay xảy ra nhất. Về mặt tư pháp, hiện nay Việt Nam bắt đầu áp dụng các án lệ giúp cho việc xét xử tốt hơn dựa vào trường hợp, tình huống tương tự được giải quyết trước đây.

diem-mat-goi-ten-hanh-_951655274268.jpg
Minh họa Pikisuperstar

 

* Vì sao lại có người cười cợt, bôi bác sự cụ thể hóa này?

- Vì không ai phân tích cho họ hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cụ thể hóa những hành vi bạo lực. Việc cắt cúp trên mạng xã hội khiến những ý kiến của đại biểu không được phản ánh đầy đủ, đến nơi đến chốn, có đầu có đuôi; làm cho mọi người thấy đại biểu nói như thế vớ vẩn.

Lẽ khác, có nhiều người dân nghĩ rằng bao nhiêu vấn đề hệ trọng của đất nước thì chả bàn lại bàn những chuyện tầm phào như thế. 

Thật ra, bạo lực ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, xói mòn tình cảm, đe dọa hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống của mỗi người, vì người trong cuộc đau đớn, rầu rĩ, khổ sở, thậm chí muốn tự tử để giải thoát.

Bạo lực làm giảm năng suất lao động của xã hội, hao tổn nhân lực, vật lực để khắc phục hậu quả, hệ lụy kéo dài nhiều thế hệ… Luật này giúp mọi người ứng xử văn minh, tử tế với nhau, tạo môi trường sống tốt, không hề là chuyện tầm phào. Chẳng phải mục đích chung của mọi người, mọi nhà là hướng đến bình an, hạnh phúc sao?

diem-mat-goi-ten-hanh-_231655274633.jpg
 

 

* Đàn ông có sức mạnh, cơ bắp hơn phụ nữ, họ thường là chủ thể gây bạo lực thể chất. Vậy trong “thế trận” bạo lực tinh thần, chủ thể và nạn nhân có gì khác không, thưa tiến sĩ? 

- Thực ra chúng ta chưa có nghiên cứu để biết rằng bao nhiêu phần trăm nam giới bị vợ đánh, bao nhiêu phần trăm nam giới bị vợ bạo lực về mặt tinh thần. Nhưng từ thực tế và suy luận, có thể hiểu được rằng nam giới nếu có bị bạo hành bởi vợ hoặc người phụ nữ khác thì cũng là bạo lực về tinh thần, tình cảm nhiều hơn là bạo lực về thể chất. Và con số này chắc chắn thấp hơn so với bạo lực đối với phụ nữ từ phía nam giới song chắc chắn là không nhỏ nếu có thể thu thập được.

Biểu hiện phổ biến của bạo lực tinh thần trong gia đình phải kể đến đầu tiên là sự kiểm soát. Vợ/chồng cứ kiểm soát giờ giấc, cằn nhằn kiểm tra điện thoại, lén gắn định vị xem đi đâu, thậm chí đến tận nơi để “thanh tra”. 

Đàn ông hay phụ nữ cũng đều có thể sa vào kiểm soát, ghen tuông quá mức hoặc so sánh coi thường vợ/chồng. Nói những lời có tính chất xúc phạm, sỉ nhục và lặp đi lặp lại: “Anh không xách dép được cho ông kia, người ta kiếm tiền giỏi như thế còn anh không được tích sự gì”, “Anh là đồ ăn hại”, “Cô chả được cái đức gì cả”, “Mày đã xấu người lại xấu nết”… Dù chỉ là lời nói nhưng có tính “sát thương” rất cao, lại nói thường xuyên, nói trước mặt con cái, người khác thì lại càng khủng khiếp.

Nhiều khi chẳng cần nói những lời đay nghiến, mạt sát nhau, chỉ cần thái độ im lặng, không giao tiếp cũng đủ làm đau đớn. Nhiều bà vợ tâm sự rằng giá có chuyện gì, thà ông chồng cứ hò hét, quát lên, đằng này ông cứ im lặng hàng tháng trời, vợ chẳng hiểu chuyện gì. Hoặc chồng không biết mình tội tình gì mà vợ không nói một câu, mặt lạnh như tiền hàng tuần, hàng tháng liền. “Chiến tranh lạnh” kèm theo “cấm vận” quan hệ tình dục làm cho chồng cảm thấy bức xúc, không khí nặng nề, ngôi nhà giống như địa ngục, thật đáng sợ. 

9404_15-shutterstock-524882308.jpg
 

 

* Những thái độ tiêu cực này đôi khi xuất phát từ sự bất mãn, mong bạn đời sửa tính xấu gì đó mà mãi không “nhúc nhích”…

- Tất nhiên phải có lý do, chẳng hạn nói mãi chả thấy thay đổi nên chán quá, ghét quá không thèm nói nữa. Tuy nhiên, giữa vợ chồng có mâu thuẫn thì ngồi lại với nhau một cách bình tĩnh để giải thích chứ không phải giữ im lặng hoặc dùng hình thức bạo lực khác để giải quyết bạo lực. Bạo lực đáp trả bạo lực không bao giờ là giải pháp tốt, mà chỉ làm cho vấn đề trở nên nặng nề, nghiêm trọng hơn.

Vợ chồng đáng lẽ phải trao đổi để ngày càng thấu hiểu yêu thương, đằng này, ngày một hiểu lầm, xa cách. Và nó ảnh hưởng đến mọi người, nhất là con cái sống trong gia đình mà bố mẹ cứ hằm hè, nhục mạ nhau hoặc không thèm nói với nhau một tiếng.

Cũng cần nhìn nhận một thực tế là ở Việt Nam còn rất thiếu những dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho gia đình. Ví dụ: chồng nghiện rượu, nghiện cờ bạc đỏ đen… rất khó khắc phục nếu chỉ bằng “tự thân vận động” hay vợ chồng đóng cửa khuyên nhau hay hòa giải theo kiểu “chín bỏ làm mười”. 

Điều này mâu thuẫn khi xã hội Việt Nam rất đề cao gia đình, coi gia đình là thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất và tâm lý chung là rất sợ ly hôn; thế nhưng chúng ta còn rất thiếu những dịch vụ hỗ trợ cho gia đình, bảo vệ sự ổn định, bền vững, hạnh phúc. Ai xây dựng gia đình cũng muốn gia đình yên ấm.

Thế nhưng trong cuộc sống có những va vấp do chúng ta thiếu kỹ năng sống, thiếu nhận thức, gặp khó khăn thì không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu, thành ra sa vào bi kịch đánh nhau, đọa đày nhau. Và khi kéo nhau ra tòa ly hôn, tất cả tồn tại đó được gói trọn trong cụm từ “vợ chồng sống không hòa hợp”.

Hiểu rõ về bạo lực, học giá trị sống, kỹ năng sống sẽ đẩy lùi nguy cơ đáng tiếc ấy xảy ra.

* Xin cảm ơn và kính chúc tiến sĩ hạnh phúc, thành công! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)