Chuyện công sở: Nếu chưa thể là một 'ong chúa' thì làm một 'ong thợ chăm chỉ' cũng có làm sao?

  • 04/12/2024

Lần trước tôi về thăm nhà, mẹ khoe nhà có ba bầy ong đang làm tổ. Một tổ trên cửa sổ gần chỗ máy giặt, một tổ ở trước hiên nhà, còn một tổ ở cửa sổ phòng tôi. Mỗi tổ chỉ lác đác một, hai con nhưng chúng vẫn cần mẫn xây chiếc tổ ngày một lớn. Hết kỳ nghỉ lễ, tôi trở lại thành phố để làm việc. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại chụp ảnh và cập nhật tình hình mấy đàn ong cho tôi. Con ong được mệnh danh là loài động vật chăm chỉ bậc nhất, nổi tiếng trong văn học, thơ ca. Nhưng đến khi được tận mắt chứng kiến chúng làm tổ ở nhà mình, tôi mới thấy hết sự chăm chỉ và kỷ luật của nó. Cảm thấy ở chúng có những phẩm chất đáng để mình học hỏi.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau

Ong có bầy, kiến có tổ, nhiều loài động vật thường sống theo bầy đàn, vì thế tôi đã rất ngạc nhiên khi tổ ong chỉ có đơn độc một chú ong. Chồng hay vợ nó đâu? Con cái nó đâu? Lính của nó đâu? Sao nó chỉ có một mình? Một mình nó vẫn cần mẫn xây tổ ngày qua ngày một lớn dần.

Đến khi mẹ thông báo rằng mỗi tổ ong đều đã tăng quân số, tôi mới vỡ ra, à thì ra là như vậy. Chúng có thể bắt tay vào việc ngay mà không cần phải chờ đồng đội. Dù có bạn đồng hành hay không thì chúng vẫn làm tốt phần việc của mình. Thế nhưng chúng chẳng thể một mình mãi. Chúng xây tổ, đẻ con, nhộng ong cứng cáp, trưởng thành lại cùng tham gia làm việc, xây tổ cùng ong đầu đàn. Đây chính là minh chứng cho câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

loai-ong-1-172741288.jpg

Làm việc có giờ giấc kỷ luật

Ngày nào mấy con ong cũng bay đi làm việc rồi lại về xây tổ. Điều đặc biệt là chúng có kỷ luật, giờ giấc rõ ràng, sáng đi trưa về, chiều đi rồi tối lại về. Ngày nào cũng thế, đều chằn chặn không khác gì những nhân viên công sở. Sự khác biệt, có chăng là người đi làm công sở phải có máy chấm công giám sát, còn những con ong thì không. Chúng tự giác, kỷ luật và rất đúng giờ, không đi muộn, về sớm một ngày nào. Những con ong không hoàn thành hết phần việc của mình, buổi tối có thể bị ong chúa phạt không cho về tổ.

Tinh thần đoàn kết

Ong là loài động vật có khả năng “teamwork” cực kỳ ăn ý. Một đàn ong được phân chia thành các cấp bậc, mỗi con có một nhiệm vụ cụ thể: con kiếm ăn, con xây tổ, con bảo vệ đàn, con duy trì nòi giống. Nếu chúng phối hợp không tốt thì cả đàn sẽ không đủ thức ăn hoặc sẽ bị kẻ thù tấn công, vì vậy tất cả đều phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Ong không làm việc đa nhiệm, thay vào đó chúng chỉ tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình. Đây là cách chúng làm việc hiệu quả, tối ưu nguồn lực và tiết kiệm thời gian.

Ong là loài động vật có tinh thần đoàn kết cực cao, chúng có thể hy sinh cả tính mạng của mình vì sự phồn vinh của giống nòi. Trong một tổ ong, những chú ong đực mang một sứ mệnh duy nhất là duy trì nòi giống. Bởi sau khi giao phối với ong chúa, ong đực sẽ chết ngay sau đó. Thế nhưng chúng chấp nhận bởi vì đây chính là sứ mệnh của chúng khi được sinh ra.

Loài ong không sống riêng lẻ, chúng kiếm thức ăn về để dự trữ thành của cải chung, làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Những con ong thợ có thể chẳng bao giờ nhìn thấy thành quả của mình vì chúng chỉ sống được khoảng 5 - 6 tuần, trong khi thời gian để sản xuất mật ong là hai tháng. Thế nhưng chúng vẫn chung sức vì tập thể mà không hề có một suy nghĩ cá nhân, ích kỷ nào.

loai-ong-2-172807069.jpg

Bạn không phải là ong chúa thì làm ong thợ chăm chỉ cũng có làm sao?

Loài ong là một sinh vật nhỏ bé nhưng ở chúng có nhiều phẩm chất mà con người có thể học hỏi. Cũng như những tổ chức của xã hội loài người, mỗi tổ ong có một ong chúa với quyền lực tối thượng, mọi con ong trong đàn đều phải nghe theo sự chỉ huy của ong chúa.

Khi đi làm, ai cũng muốn được thăng chức để khẳng định quyền lực, địa vị và quyền lợi. Thế nhưng chức vụ cao cũng đi cùng với trách nhiệm lớn và áp lực nhiều. Chỉ những con ong có đủ phẩm chất và năng lực mới được cả đàn tôn lên làm ong chúa. Con người cũng vậy, không phải ai cũng có đủ tố chất để lãnh đạo người khác. Thế nhưng loài ong dễ dàng chấp nhận vị trí và nhiệm vụ của mình, còn loài người thì không. Vì thế nên nhiều người mới sinh ra cảm giác bất mãn, hậm hực, đố kỵ khi thấy mình đi làm nhiều năm mà vẫn chỉ là “nhân viên quèn”.

Làm một nhân viên bình thường thì có gì đáng xấu hổ không? Nếu bạn không phải là ong chúa vẫn có thể làm một chú ong thợ chăm chỉ, cần mẫn, thì cũng có làm sao. Một người bình thường cũng có giá trị của một người bình thường.

loai-ong-3-172819741.jpg

Năng nhặt chặt bị

Sức mạnh của loài ong nằm ở chỗ kiên trì, bền bỉ. Chúng không làm nên những thứ lớn lao, có tính đột phá. Chúng cần mẫn ngày qua ngày nhưng chiếc tổ của chúng ngày một lớn dần, quân số ngày một đông hơn, thức ăn trữ được nhiều hơn.

Cách sinh tồn của loài ong cũng tương đồng với mô hình thu nhập của đa số những người lao động “làm công ăn lương” ngoài kia. Thế nhưng, dù mức lương không quá cao, họ vẫn có thể mua đất, mua nhà, tích trữ tài sản và chăm lo cho gia đình. Tất cả nhờ làm việc chăm chỉ, tiết kiệm có kỷ luật và quản lý chi tiêu hiệu quả. Vốn dĩ con người cũng có thể học hỏi loài ong ở chỗ năng nhặt chặt bị, tha lâu cũng có ngày đầy tổ. Không cần phải làm những thứ to tát, bạn vẫn có thể đạt được những thành tựu lớn lao.

Hằng Nga

Ảnh: Sưu tầm



(Theo: http://emdep.vn/cau-chuyen-cuoc-song/chuyen-cong-so-neu-chua-the-la-mot-ong-chua-thi-lam-mot-ong-tho-cham-chi-cung-co-lam-sao-20220614172442928.htm)